Chùa Cảm Ứng, tên nôm là chùa Mứng, trước thuộc làng Láng Trung, xã An Lãng, nay thuộc phường Láng, thành phố Hà Nội.
Chùa toạ lạc trên một mảnh đất cao ráo, mặt tiền toà Tam bảo nhìn về hướng tây-nam. Nơi đây trước kia có nhiều cây muỗm già, tạo nên một phong cảnh u tịch ven sông Tô Lịch. Nay chùa lọt vào đoạn cuối con ngõ cụt số 538 của đường vành đai Láng. Hai cổng chính, phụ đều quay về hướng đông-nam, bị hai toà cao ốc án ngữ.
Chùa Cảm Ứng vừa thờ Phật, vừa thờ Quốc sư Từ Đạo Hạnh và mẹ ngài là bà Tăng Thị Loan. Ngôi chùa có diện tích rộng rãi với nhiều nếp nhà. Toà tam bảo, nhà hậu, nhà Mẫu, xã lỵ và vườn cây râm mát.
Tương truyền sau khi vua Lý Thánh Tông 李聖宗 (1023–1072) cho xây đền Ứng Thiên ở làng bên cạnh (tức là Láng Hạ) thì cũng cho xây chùa Cảm Ứng. Một công chúa con gái của nhà vua về sau đã ra tu tại chùa cho đến khi mất. Như vậy chùa có thể đã ra đời từ cuối thế kỷ 11. Vị trụ trì từ năm 1988 là ni sư Thích Đàm Tuyết.Ngoài thờ Phật, trong chùa còn thờ quốc sư Từ Đạo Hạnh và mẹ ngài là bà Tăng Thị Loan.
Toà tam bảo được xây theo kiểu chữ Đinh, 3 gian đại diện nằm ngang, 1 gian hậu cung nằm dọc. Trước chùa có 2 cột trụ vuông cao khoảng 8m. Hiên chùa dài suốt 3 gian. Phần trái của hiên có 7 tấm bia xếp thành hai hàng. Trong đại điện có bức hoành phi với 3 chữ Hán lớn: "Cảm ứng từ". Trong các gian trái, phải thượng điện đều xây bệ đặt tượng các đức Phật: Phổ Hiền Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Hộ Pháp, đức Thánh Ông…
Hậu cung được xây thành bốn bậc, bệ trên cùng đặt tượng Phật Tam Thế, bậc thứ hai đặt tượng A Di Đà , hai bên có hai vị Bồ Tát, tiếp dưới là tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế…
Bên cạnh toà tam bảo là nhà hậu, nhà Mẫu thờ các đức Thánh Mẫu Tứ Phủ và Thánh Mẫu sinh ra Từ Đạo Hạnh.
Trải qua thời gian tồn tại, chùa Cảm Ứng là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Ngôi chùa là nơi giáo dục cho con người về lòng từ bi, bác ái, nơi gửi gắm mọi vui buồn trong cuộc sống nhằm cầu mong một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
(Theo Hà Nội Di tích Lịch sử và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2000, tr87)